19/03/2012 11:27:48 SA
Trong cuộc sống, có hai loại thức uống từ ngàn xưa đã theo con người, cùng con người tồn tại cho...
Văn hóa rượu

Gia Lộc
Nxb. Văn hóa Thông tin
Năm 2009
179 trang
Trong cuộc sống, có hai loại thức uống từ ngàn xưa đã theo con người, cùng con người tồn tại cho đến ngày nay đồng thời được coi như một nét văn hóa đẹp đặc trưng rất riêng, đất độc đáo. Đó là trà và rượu. Trà có văn hóa trà và trà đạo. Rượu cũng vậy, cũng có văn hóa rượu.
Rượu ra đời cách đây từ 6 đến 7 ngàn năm. Sự ra đời của rượu gắn liền với những câu chuyện vừa bí ẩn, vừa huyền ảo, nửa như tuyền thuyết, nửa như lịch sử. Đối với người phương Tây, rượu là mặt trời soi sáng tình bạn, mặt trăng soi sáng tình yêu, còn đối với người phương Đông rượu là bạn của người anh hùng, hảo hán, là người tình của thi nhân. Rượu là chất men của giới nghệ sĩ. Rượu đi vào những trận chiến ác liệt, có chén hân hoan chiến thắng nhưng cũng có chén thất bại, đắng cay…
Rượu là văn hóa, do đó nó cần được đối xử như một văn hóa. Để góp phần xây dựng một nền văn hóa rượu lành mạnh trong cộng đồng, Gia Lộc đã tổng hợp và biên soạn cuốn sách Văn hóa rượu. Cuốn sách gồm có hai phần. Phần một là Văn hóa rượu và phần hai là Văn hóa rượu xưa và nay.
Ở phần một – Văn hóa rượu tác giả đã đi tìm nguồn gốc, xuất xứ hay nói một cách nôm na là rượu ra đời từ bao giờ trải dài qua các nước từ Trung Hoa, Ai Cập cho đến Hy Lạp… Quy trình chế biến, sản xuất rượu (rượu vang và rượu từ ngũ cốc); Nguồn gốc và tính chất hóa lý; Tính chất dược lý của rượu; Các loại rượu nổi tiếng; Cách bảo quản rượu cũng được Gia Lộc trình bày một cách cẩn thận.
Ở phần này, bài viết Rượu không chỉ là đồ uống mà còn là một văn hóa khá hay. Tác giả cuốn sách chỉ ra rằng Nói đến rượu nhiều người nghĩ đến khía cạnh xấu: nghiện rượu hoặc nát rượu. Thật ra không cứ gì rượu, đồ uống nói riêng và thực phẩm nói chung, kể cả thuốc bổ, nếu dùng quá độ đều có hại. Hãy tạm quên đi một Chí Phèo nát rượu để nhớ về bức tranh ông tiên râu tóc bạc phơ, má đỏ như quả đào, một tay chống gậy, một tay cầm bầu rượu thì rượu là biểu tượng của Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh. Từ ý kiến trên, ông bà ta ngày xưa có câu chín quá hóa nẫu cũng là một ngụ ý sâu xa. Như vậy, bất cứ một sự vật, hiện tượng nào đều có hai mặt của nó, mặt lợi và mặt hại, điều quan trọng nhất là chúng ta có biết cách để dung hòa nó hay không mà thôi. Đồng thời người viết cũng khẳng định uống rượu không phải uống như thế nào cũng được mà phải uống có chừng mực, có hiểu biết. Dẫu rằng Nam vô tửu như kỳ vô phong (Đàn ông không uống rượu như cờ không gió). Nhưng chúng ta cũng nên nhớ thêm câu: Ẩm tửu dung hòa đích quân tử (Người quân tử uống rượu phải trầm tĩnh). Uống chỉ đến mức phấn chấn, suy nghĩ những điều có lợi cho hạnh phúc gia đình và cho đất nước, đó mới thực sự là người sành rượu và hiểu biết về văn hóa rượu.
Trong phần hai – Văn hóa rượu xưa và nay đề cập đến Các nền văn hóa rượu đặc sắc. Phương Tây có rượu vang Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Chi Lê, Argentina… phương Đông có ẩm thực rượu Trung Hoa, rượu Việt Nam… Nếu như khách du lịch đến Việt Nam để khám phá lịch sử hay muốn hiểu biết hơn nền văn hóa nước Việt thì hãy nhâm nhi thử ly rượu gạo nồng ấm. Hãy Cảm nhận văn hóa Việt qua ly rượu gạo để nhận những nét tinh hoa hội tụ của một nền văn nông nghiệp lúa nước từ hàng ngàn năm hội tụ qua bao thăng trầm biến thiên dâu bể của đất nước của cuộc đời.
Văn hóa rượu của dân tộc thiểu số ở Việt Nam với chén rượu cần Tây Nguyên, rượu Sán Lùng Tây Bắc, rượu ngô Bắc Hà… đều là những sản vật đặc trưng, tiêu biểu của vùng miền. Đây là tài sản văn hóa của từng dân tộc nói riêng và của Việt Nam nói chung, nó góp phần làm nên bản sắc văn hóa rượu cũng như bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam thêm phong phú, thêm đa dạng.
Rượu trong nghi lễ, Rượu trong giao tế xã hội, Rượu trong thi ca, Rượu thuốc đều là những bài viết rất sâu sắc, tế nhị với nhiều điều khá thú vị. Thực trạng sử dụng rượu ngày nay, Trả lại vai trò văn hóa cho rượu đề cập đến một vấn nạn mà không chỉ có ở Việt Nam mà hầu hết ở các nước đều có. Đó là tình trạng lạm dụng rượu, sử dụng rượu không đúng mục đích để rồi xảy ra những điều không tốt, không hay gây mất an ninh trật tự, thậm chí tổn hại đến sức khỏe dẫn đến tình trạng tử vong… Do đó, điều cần thiết trước mắt cũng như lâu dài là hãy trả lại cho rượu những chức năng vốn có của nó – xét trên phương diện văn hóa như ý kiến của tác giả cũng như nhiều người mong muốn. Mong rằng mỗi chúng ta khi nhâm nhi ly rượu dù trong đau khổ hay hạnh phúc thì cũng biết dừng lại đúng lúc, để rượu mãi mãi là bạn của chúng ta, là một phương diện trong giao tế xã hội, chứ đừng biến rượu thành kẻ thù dưới bất kỳ lý do nào. Một số cách giải rượu đơn giản và hiệu quả rất hữu ích đối với những đệ tử lưu linh hay đối với các bà, các cô. Khá dễ dàng tìm những phương cách giải rượu đơn giản nhất có sẵn trong gia đình như nước tinh khiết (nước lọc), trà Atiso, trứng sống, nước chanh…
Nhìn chung cuốn sách được tác giả biên soạn tương đối có hệ thống, trình bày dễ hiểu những vấn đề liên quan đến rượu và văn hóa rượu. Cung cấp một khối lượng kiến thức tuy không lớn, không đồ sộ nhưng nó cũng là một món quà, một tài liệu tham khảo cần thiết, bổ ích, đáng quý đối với những ai nặng lòng với nền ẩm thực nước nhà.
Người viết xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Văn hóa rượu của tác giả Gia Lộc đến với quý độc giả, hy vọng đây là cuốn sách giúp cho quý độc giả thấy hài lòng và thú vị sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi.
Như Bình giới thiệu.
